Báo chí viết về Ngọc trai Hạ Long

Lê Nam Trung - 20 năm ước vọng đem Ngọc Việt đến 5 châu

Vịnh Hạ Long là một di sản và một kỳ quan thế giới về cảnh quan. Ở đó có một chàng trai đã mất 20 năm phát triển nghề nuôi trai lấy ngọc mang khát vọng về thương hiệu ngọc trai cho Hạ Long.

Người Việt cứu DN Nhật

Vẫn dáng vẻ tất bật, người đàn ông mảnh dẻ không có nhiều nét của dân miền biển lâu năm tự tay điều khiển canô, rẽ sóng rời cảng Vân Đồn, đưa chúng tôi len lỏi qua trập trùng đảo đá của vịnh Bái Tử Long.

Gần 20 năm gắn bó với vùng biển Đông Bắc, anh quá quen luồng lạch, tùng vịnh nơi đây, nhưng lần này không cập bến quan thuộc tại công ty TAIHEIYO SHINJU VIETNAM, một cơ sở 100% vốn của Nhật Bản mà tiếp tục xa hơn, cập vào địa chỉ mới trên vịnh Hạ Long.

Dường như đoán được ngạc nhiên của chúng tôi, anh Lê Nam Trung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần ngọc trai Hạ Long (HALONG PEARL JSC), nói, đây là điểm khởi đầu mới của anh, nơi anh được hiện thực hóa mơ ước xây dựng một thương hiệu riêng cho ngọc trai Hạ Long ấp ủ bao năm qua.

Chuyện bắt đầu từ hàng chục năm trước, tiềm năng nuôi trai cấy ngọc của Việt Nam đã được các chuyên gia Nhật Bản để ý. Cơ hội đã đến, khi Việt Nam mở cửa, kêu gọi đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp Nhật đã tìm đến vùng biển Đông Bắc, nơi có nhiều vịnh nhỏ, kín gió, nguồn nước trong lành phù hợp để xây dựng những cơ sở nuôi cấy đầu tiên.

Anh Trung nhớ lại, ngày ấy anh còn là một chuyên viên mới của ngành thủy sản, từ trụ sở của Bộ Thủy Sản ở Hà Nội cả đoàn thanh niên bắt đầu hành trình tìm đến Vân Đồn (Quảng Ninh), tất cả đều trên dưới 20, rất háo hức được dấn thân vào nghề mới. Nó là mới thực sự, bởi từ nhỏ đã được nghe đến ngọc trai nhưng trong nhóm chưa có ai được một lần nhìn thấy.

Anh Trung kể, háo hức nhanh chóng tan biến khi những ngày gian khó trên đất lạ. Đó là những ngày dài phá đá, gây dựng cơ sở nuôi cấy đầu tiên Vịnh Bái Tử Long đã khiến cho nhiều người chán nản. Từ Hà Nội phồn hoa đô hội đến nơi sóng biển mịt mùng, đảo đá hoang vu, không điện, nước ngọt khan hiếm... công việc mệt nhọc và nhàm chán nên không ít người bỏ về. Riêng anh, có lẽ do duyên nghiệp và cũng có thể do ảnh hưởng sự ham mê từ người bố là một giáo sư sinh học nên nghề mới cứ thế nhiễm sâu vào minh như sự say mê kỳ lạ về ngọc trai.

"Và cũng có thể do bản tính chịu đựng và kém nhạy bén của người xứ Nghệ nên tôi đã ở lại, trụ được và vượt qua những khó khăn ban đầu", anh Trung nói.

Những chuyên gia Nhật đã tinh ý nhận ra sự chịu khó và say mê của một chàng trai trẻ. Anh được chọn cử sang Nhật Bản học kỹ thuật, tiếp thu kinh nghiệm nghề nuôi trai cấy ngọc. Nhờ đó, anh là người đầu tiên và cho đến nay vẫn là số ít người được đào tạo cơ bản về nuôi cấy ngọc trai tại Nhật Bản, đất nước số một thế giới về nghề này. Càng học, càng say mê, Trung càng nuôi hoài bão phát triển nghề nuôi trai cấy ngọc, khai thác tiềm năng, đưa ngọc trai thành thế mạnh của Việt Nam

Tuy nhiên, mọi thứ tưởng như đã sụp đổ khi cơn bão tài chính cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước ấp đến tưởng chừng như dập tắt hoài bão của anh. Cơ sở nuôi trai cấy ngọc đầu tiên trên Vịnh Bái Tử Long phải đóng cửa. Chủ đầu tư về nước, công nhân li tán. Tất cả đỗ vỡ và hoang tan, Trung cảm thấy thất vọng và bơ vơ giữa biển.

Nhưng với niềm yêu nghề, Lê Nam Trung không muốn để một ngành nhiều tiềm năng phải chịu kết cục buồn. Anh tìm cách kết nối các mối quan hệ bạn bè trong suốt thời gian lưu học để tìm kiếm nhà đầu tư thay thế. Sau nhiều nỗ lực, một doanh nghiệp có trụ sở tại Kobe đã đáp lại tín hiệu. Công ty này cử đại diện sang Việt Nam trực tiếp tìm hiểu tình hình và hai bên trao đổi với nhau quan điểm về xu hướng phát triển. Nhận thấy được sự tương đồng về cách nhìn và giải pháp thực trạng của liên doanh cũ để lại, cuối cùng họ đồng ý bắt tay hợp tác. Kết quả Công ty TNHH TAIHEIYO SHINJU VIETNAM ra đời. Anh trở thành nhân vật chính trong một câu chuyện hy hữu, người Việt cứu sống một DN Nhật Bản.

Với kinh nghiệm và niềm say mê, Trung không ngần ngại chỉ cho nhà đầu tư mới những khó khăn như thiếu công nhân có tay nghề, kỹ thuật nuôi cấy ngọc của Nhật không hoàn toàn phù hợp với điều kiện của Việt Nam và những vấn đề môi trường đầu tư vẫn còn nhiều trở ngại. Và cũng chính anh là bắt tay giải quyết tất cả vấn đề khó khăn đó. Lần lượt, từng khó khăn thách thức được vượt qua, một DN đã hồi sinh.

Tin tưởng vào còn người quyết đoán, dám nhìn thẳng vào sự thật và, nhà đầu tư Nhật bản đã chủ động đề bạt anh giữ chức toàn quyền quản lý liên doanh.

Để DN hoạt động hiệu quả hơn, Lê Nam Trung tiến hành nguyên tắc hóa mọi hoạt động sản xuất kinh doanh. Trước hết, để tăng cường nguồn nhân lực giỏi cho bộ phận kỹ thuật, anh kêu gọi những người đã ra đi trước đây quay lai với công ty, đồng thời mở các khóa huấn luyện nâng cao tay nghề và sàng lọc tìm kiếm kỹ thuật viên giỏi.

Và điều quan trọng nhất mà anh quyết tâm làm, Lê Nam Trung tập trung nghiên cứu sâu khả năng ứng dụng công nghệ cấy ghép; kinh nghiệm nuôi trồng của Nhật Bản vào yếu tố môi trường tự nhiên của Việt Nam để hoàn thiện quy trình cấy ghép đạt hiệu quả cao hơn.

Lê Nam Trung luôn theo dõi sát sự biến động về nhu cầu cũng như giá cả của thị trường ngọc trai thế giới. Theo đó, công ty tập trung vào đầu tư và nghiên cứu, nuôi cấy và kinh doanh với 3 loại ngọc trai có giá trị kinh tế và sản lượng cao là Akoya, South Sea, Black Pearl... từ đó có những điều chỉnh trong quá trình sản xuất của mình sao cho hiệu quả nhất.

 

Với mong muốn phát triển ngành trai ngọc cùng với các chuyên gia Nhật Bản, Lê Nam Trung đã dày công xây dựng dây chuyền sản xuất khép kín từ sinh sản con giống, nuôi cấy cho đến gia công ngọc. Tránh tình trạng chỉ sản xuất ngọc nguyên liệu, chưa chủ động gia công, nên giá trị còn thấp. Bằng những việc làm đó, anh đã góp phần xây dựng nên một công ty nuôi trai lấy ngọc hàng đầu Việt Nam với thương hiệu ngọc trại SPICA nổi tiếng.

Ngọc trai Hạ Long nổi tiếng thế giới

DN đang phát triển tốt, bản thân có vị trí, sự tin tương và thu nhâp cao, thế nhưng với mong muốn phát triển riêng thương hiệu Việt anh đã chủ động rời TAIHEIYO SHINJU VIETNAM khi mọi việc đang tiến triển tốt đẹp để đi con đường riêng con mình.

Lại bắt đầu từ những bước đầu tiên, trên cơ sở tiếp nhận lại cơ sở liên doanh nuôi cấy ngọc trai không thành công trên Vịnh Hạ Long, Lê Nam Trung cấu trúc lại, tìm phương án kinh doanh mới. Không còn vốn đầu tư từ nước ngoài, không thể huy động vốn từ các tổ chức tài chính bởi họ sợ "ném tiền xuống biển". Nhưng với nỗ lực của bản thân và bằng uy tín đã được chứng minh hơn chục năm lăn lộn với nghề nuôi trai lấy ngọc đã giúp anh đủ cơ sở để lập nên Công ty cổ phần ngọc trai Hạ Long (HALONG PEARL JSC).

Mong ước vắt qua hai thế kỉ đã giúp cho Lê Nam Trung lập nên cơ sở nuôi trai cấy ngọc hoàn toàn của người Việt được áp dụng những công nghệ nuôi cấy, gia công tạo nên những sản phẩm hoàn chỉnh của Nhật Bản.

Và thật ngạc nhiên, những người bạn đến từ "xứ sở mặt trời mọc", lại sát cánh cùng anh để cùng góp phần hoàn thiện quá trình nuôi cấy, chăm sóc, tạo nên sản phẩm ngọc trai hoàn hảo. Điều này được lý giải khi Hori Kiri một trong những chuyên gia của nghề nói rằng: họ hết sức khâm phục ý chí, niềm say mê nuôi trai cấy ngọc của Lê Nam Trung và cũng không sợ cạnh tranh bởi thị trường hết sức rộng mở, nghĩa vụ của những người làm nghề là tạo nên viên ngọc đẹp cho đời.

Còn Lê Nam Trung lại muốn rằng những viên ngọc trai được sản sinh từ Vịnh Hạ Long, di sản thiên nhiên thế giới sẽ góp phần làm tăng thêm giá trị hấp dẫn cho di sản Hạ Long, phong phú thêm sản phẩm biển Việt Nam, để cho bạn bè thế giới thêm biết về Việt Nam về vịnh Hạ Long. 

Lại một chuyến tàu đưa khách du lịch cập bến, đưa khách thăm cơ sở nuôi trai lấy ngọc trên vùng Vịnh di sản thiên nhiên thế giới, để họ được tận mặt chứng kiến quy trình hình thành nên viên ngọc quý, được thưởng thức những món ăn chế biến từ con trai, xuýt xoa, trầm trồ trước những món đồ trang sức ngọc trai, dường như khám phá được điều còn tiềm ẩn trong lòng vịnh Hạ Long.

Còn với Lê Nam Trung, anh đang mong muốn nhân rộng mô hình tham quan du lịch làng nghề nuôi cấy ngọc trai từ Vịnh Hạ Long ra các cơ sở của công ty ở Nha Trang, Phú Quốc. Theo anh, đó cũng là con đường để ngọc trại Việt Nam sớm có mặt trên thị trường quốc tế.

Xuân lại về trên vùng "biển bạc", dõi theo những con sóng nhấp nhô, trong ánh mắt của người đàn ông say mê hồn ngọc vẫn như đang kiếm tìm những điều còn ẩn chứa trong lòng đại dương để làm nên những viên ngọc quý, để ngọc Việt vươn xa.

Theo Thanh Lê

VEF

18/12/2020